Bắc Ninh được coi là một trong những cái nôi của nghệ thuật Ca trù. Ca trù đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ trên đất Kinh Bắc từ thời Lê (thế kỷ XV). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, Ca trù có lúc đã bị lãng quên.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Trúc (câu lạc bộ ca trù Thăng Long – Hà Nội) biểu diễn ca trù Tì Bà Hành
Năm 2009, Ca trù được đưa và danh sách di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp. Sau 4 năm được vinh danh, Ca trù lại rơi vào tình trạng thiếu cả người biểu diễn lẫn người thưởng thức dẫn đến việc bảo tồn loại hình nghệ thuật này gặp rất nhiều khó khăn.
Theo kết quả khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có 4 câu lạc bộ Ca trù là Thanh Khương (huyện Thuận Thành), Tiểu Than (huyện Gia Bình), Thượng Thôn (huyện Yên Phong) và câu lạc bộ Ca trù Bắc Ninh với tổng số hội viên khoảng 150 người.
Để học được hết các làn điệu Ca trù người học phải bền bỉ khổ luyện trong một thời gian dài. Phần lớn các nghệ nhân biết đàn, hát và nghe Ca trù đã ở độ tuổi 60, 70, 80 tuổi, số hội viên trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Phó Phòng Di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hoa cho biết Bắc Ninh có 5 cụ cao tuổi có thể truyền dạy Ca trù nhưng 2 cụ do tuổi cao sức yều không thể truyền nghề, 3 cụ có thể duy trì thì đều đã ngoài 80 tuổi. Bên cạnh đó, việc chưa có chính sách đãi ngộ nên không khuyến khích được việc truyền dạy.
Do gián đoạn trong một thời gian dài, nhiều tư liệu về Ca trù đã mất, các nghi lễ liên quan cũng dần bị mai một. Ca trù Bắc Ninh có tổng số 46 thể cách thì giờ các câu lạc bộ phần lớn chỉ hát những tiết mục của lối hát chơi còn những thể cách như hát thi, hát cửa đình, hát thờ, gần như đã thất truyền.
Việc đào tạo đào, kép cũng không được thực hiện theo trình tự nghiêm ngặt như xưa.
Trong nghệ thuật Ca trù còn có hệ thống nghi lễ liên quan như tục cởi áo xiêm, lễ nhận thầy, tục giỗ tổ nghề nhưng người học không được tìm hiểu các nghi lễ liên quan. Trong xã hội hiện đại, Ca trù phải cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác khiến ảnh hưởng của Ca trù ngày càng bị thu hẹp.
Câu lạc bộ Ca trù thôn Thượng Thôn (huyện Yên Phong) có 25 hội viên và một cây đàn đáy cũ, một chiếc trống chầu, vài bộ phách do các thành viên tự đóng góp mua từ cách đây hàng chục năm.
Bà Đào Thị Xuyến, Chủ nhiệm câu lạc bộ tâm sự, để đảm bảo điều kiện cho Câu lạc bộ duy trì hoạt động, chúng tôi phải vận động xã hội hóa. Tuy đã hoạt động nhiều năm nhưng vì thời gian hạn hẹp, thiếu kinh phí nên Câu lạc bộ Ca trù Thượng Thôn sinh hoạt không đều đặn.
Ông Nguyễn Thiết Sửu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Tiểu Than (huyện Gia Bình) cho biết: Tiểu Than vẫn còn nhà thờ ông tổ Ca trù và lưu giữ được 5 bản sắc phong do các triều đại phong kiến phong tặng nhưng câu lạc bộ đang gặp khó khăn về kinh phí hoạt động và thiếu người truyền dạy.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ, các thành viên đã xây dựng điều lệ sinh hoạt, tập luyện và đóng góp kinh phí.
Trước thực trạng Ca trù đứng trước nguy cơ mai một, các câu lạc bộ hoạt động ở mức cầm chừng, có nguy cơ tan rã, Bắc Ninh đang triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn 2013-2020” với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng.
Trong đó có 2 tiểu dự án dành riêng cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản ca trù với tổng kinh phí là 5 tỷ đồng.
Số tiền này sẽ để đầu tư vào công tác sưu tầm, phục dựng các hình thức hát ca trù; truyền dạy hát ca trù tại cộng đồng; đầu tư hỗ trợ mua sắm trang thiết bị; hỗ trợ phục dựng, tôn tạo các thiết chế văn hóa liên quan… Tỉnh chú trọng công tác sưu tầm, mở lớp, mời nghệ nhân truyền dạy.
Thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục phát triển những câu lạc bộ tại những nơi vốn xưa có nghệ thuật Ca trù đã bị thất truyền như Tiên Du, thành phố Bắc Ninh./.
Nguồn: TTXVN