Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 13-7-2009 của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thị xã Tam Điệp đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp để phát triển tiềm năng của ngành “công nghiệp không khói”.
Thị xã Tam Điệp là địa phương giàu tiềm năng về du lịch. Trên địa bàn thị xã đã và đang hình thành các loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của khách du lịch như: du lịch tâm linh với hệ thống các đình, chùa, các di tích lịch sử được xếp hạng; du lịch sinh thái với các loại hình dịch vụ: sân golf, khu nghỉ dưỡng, câu cá, bơi thuyền…
Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 13-7-2009 của Tỉnh ủy về “Phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thị xã đã tổ chức quán triệt sâu sắc, xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Qua đó tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ quan trọng đối với việc phát triển du lịch trên địa bàn thị xã.
Để tạo lực đẩy cho du lịch phát triển, thị xã Tam Điệp đã có nhiều giải pháp và thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực du lịch. Với việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa về du lịch, trên địa bàn thị xã đã thu hút được 3 dự án đầu tư vào các khu du lịch: khu liên hợp du lịch sân golf 54 lỗ, khu du lịch Đồi Dù, khách sạn Xanh và khu du lịch sinh thái hồ Yên Thắng. Đây là các dự án đã triển khai các hạng mục theo từng giai đoạn, bước đầu thu hút khách du lịch đến thăm quan, vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, thị xã đã ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để động viên, khích lệ các nhà đầu tư, có sự chỉ đạo kịp thời và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư thực hiện các công việc theo đúng tiến độ.
Góp phần vào việc phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn, thị xã đã có sự chỉ đạo sát sao nhằm đẩy mạnh sự phát triển của các loại hình theo đúng định hướng, xây dựng nếp sống văn minh tại các khu, điểm du lịch. Về hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn, thị xã đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động lưu trú du lịch, chú trọng công tác thẩm định, tái thẩm định, xếp hạng khách sạn, nhà nghỉ, đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch.
Tính đến cuối năm 2013, trên địa bàn thị xã có 23 cơ sở lưu trú với 250 phòng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch có nhu cầu lưu trú, trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 1 khách sạn đang đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định, công nhận đạt tiêu chuẩn 2 sao.
Trong những năm qua, các cơ sở lưu trú đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ khách du lịch. Một số cơ sở lưu trú đã bước đầu bổ sung thêm những dịch vụ mới phục vụ khách, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của du khách.
Đối với hệ thống nhà hàng ẩm thực, Tam Điệp hiện có 27 cơ sở dịch vụ ăn uống đạt chuẩn, được xây dựng đẹp, độc đáo, toàn cảnh được thiết kế thống nhất, có diện tích mặt bằng rộng, thông thoáng, có chỗ bố trí giữ xe cho khách, có phòng ăn tối thiểu từ 50 chỗ ngồi/phòng, các món ăn đa dạng, mang đậm nét truyền thống địa phương, dịch vụ karaoke với 23 cơ sở đạt tiêu chuẩn… cũng góp phần giữ chân du khách ở lại Tam Điệp.
Đặc điểm nổi bật trong hoạt động du lịch ở thị xã Tam Điệp còn là hệ thống các đình, chùa, di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng… góp phần hình thành và phát triển loại hình du lịch tâm linh. Với các địa danh nổi tiếng như: đền Dâu, đền Quán Cháo, đình làng Quang Hiển, đền Thượng, chùa Trung Sơn, chùa Lý Nhân, chùa Quang Sơn… hàng năm đã thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài tỉnh đến với Tam Điệp.
Xác định thế mạnh từ loại hình du lịch tâm linh, Thị ủy, UBND thị xã đã chỉ đạo các ngành phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hóa đối với 5 di tích: đền Dâu, đền Quán Cháo, chùa Lý Nhân, hệ thống đình làng Quang Hiển, chùa Quang Sơn đền Mẫu Thượng. Đồng thời, thị xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đối với di tích đền Dâu, đền Quán Cháo.
Trong những năm qua, trước sự phát triển nhanh của sản xuất công nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các di tích lịch sử nói riêng, lĩnh vực du lịch tâm linh nói chung, thị xã đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường trên địa bàn tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tổ chức khoanh vùng bảo vệ các di tích.
Bên cạnh đó, để góp phần quảng bá, đưa hình ảnh về du lịch Tam Điệp đến với du khách gần, xa, hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch được quan tâm đẩy mạnh. UBND thị xã đã kết hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các hội thảo, in ấn phẩm quảng bá du lịch địa phương tại các hội chợ quốc tế ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Nam, Đà Nẵng…
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có sự phát triển mạnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của thị xã, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh và hiệu quả từ phát triển du lịch cũng như những tồn tại, hạn chế, thị xã Tam Điệp tiếp tục tập trung vào các giải pháp để khai thác hiệu quả các tiềm năng của du lịch.
Trong đó, thị xã chú trọng xây dựng chiến lược quảng bá phù hợp với điều kiện địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng, nhất là đội ngũ phục vụ du lịch về văn hóa giao tiếp, ứng xử nhằm tạo ấn tượng đẹp trong mắt du khách. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường và vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động du lịch. Định hướng chính sách sản phẩm du lịch, đầu tư phát triển mạnh các loại hình du lịch cuối tuần…
Nguồn: Báo Ninh Bình