Phát huy thế mạnh hoa Đà Lạt gắn với phát triển du lịch


Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch Đà Lạt 2013, ngày 28/12/2013, tại quảng trường Lâm Viên (Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã diễn ra buổi tọa đàm “Hoa Đà Lạt và du lịch” do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Tham dự tọa đàm có đại diện UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND Tp. Đà Lạt và các ban ngành liên quan; các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức sản xuất, kinh doanh hoa; các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh.

du lich Da Lat

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm nhằm giới thiệu tổng quan về tiềm năng, thế mạnh và thực trạng sản xuất, kinh doanh hoa của Đà Lạt và Lâm Đồng; qua đó đưa ra các giải pháp nhằm phát huy thế mạnh của vùng hoa Đà Lạt gắn với phát triển du lịch, đẩy mạnh thương hiệu hoa Đà Lạt trong xu thế hội nhập.

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có trên 6.000ha diện tích trồng hoa, sản lượng đạt khoảng 1,8 tỷ cành/năm. Trong đó, diện tích hoa tập trung chủ yếu trên địa bàn Tp. Đà Lạt với gần 4.000ha, sản lượng ước đạt 1,5 tỷ cành/năm. Đà Lạt hiện có trên 400 loài hoa với hàng nghìn giống hoa có từ lâu đời và một số giống hoa được nhập khẩu từ nước ngoài, tập trung ở các làng hoa nổi tiếng như: Thái Phiên, Hà Đông, Vạn Thành, Xuân Thọ, Trại Mát… Ngoài ra, Đà Lạt còn có trên 10 điểm du lịch có hoa là sản phẩm tham quan chủ đạo như: vườn hoa thành phố, vườn hoa Minh Tâm, thung lũng Tình yêu, hồ Than thở, đồi Mộng mơ… Đây chính là những thế mạnh để Đà Lạt tăng cường liên kết mô hình làng hoa gắn với du lịch trong tương lai, qua đó phát triển song song ngành sản xuất hoa cắt cành và du lịch hoa.

Để xây dựng ngành sản xuất hoa và góp phần phát triển du lịch chất lượng cao ở Lâm Đồng nói chung và Tp. Đà Lạt nói riêng, việc phát triển hoa gắn với du lịch được coi là định hướng lâu dài, bền vững. Theo đó, nhiều giải pháp thiết thực, mang tính chiến lược đã được các đại biểu tham dự tọa đàm đề ra như: phát triển các tuyến du lịch sinh thái tham quan các làng hoa, trang trại hoa; tổ chức cho du khách tham gia vào quy trình trồng và sản xuất hoa; tăng chất lượng giống, xúc tiến thương mại phục vụ du lịch tại chỗ; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu các sản phẩm đa dạng phục vụ du lịch; quy hoạch thêm nhiều địa điểm, khu vực công cộng để trồng hoa; kêu gọi đầu tư thực hiện dự án trồng hoa tại cửa ngõ thành phố, các đồi trống; liên kết với các làng hoa và công ty lữ hành xây dựng các tour, tuyến tham quan cụ thể; nâng cao nghiệp vụ, hướng dẫn viên du lịch để phục vụ du khách tốt hơn…

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: để phát triển ngành hoa Đà Lạt gắn với du lịch chất lượng cao, trước mắt phải rà soát quy hoạch tổng thể và xây dựng chi tiết các vùng chuyên canh trồng hoa; khai thác tối đa cảnh quan đô thị, tạo những không gian hoa độc đáo; đặc biệt cần tập trung sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm đồng loạt, đồng nhất và mang tính ổn định bền vững.

Trong thời gian tới, UBND Tp. Đà Lạt sẽ triển khai các giải pháp cụ thể như hỗ trợ hình thành các điểm tham quan; thành lập tổ hướng dẫn du khách tại các làng hoa; lồng ghép các chương trình dự án để phát triển làng hoa; phối hợp với các công ty du lịch trên địa bàn hình thành tour du lịch đến làng hoa…

Với những định hướng và giải pháp thiết thực, du lịch hoa sẽ sớm trở thành sản phẩm du lịch trọng yếu của Đà Lạt trong tương lai.

Phạm Phương