Với điều kiện về tự nhiên rất kỳ thú và độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng, trong đó suối cá được xem như là một “di sản thiên nhiên” độc nhất vô nhị, cùng với việc tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường và những kết quả bước đầu của dự án “Bảo tồn và phát triển làng văn hóa truyền thống Lương Ngọc” đã đem lại cho xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy) cơ hội tốt để phát triển du lịch cộng đồng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong tương lai không xa.
Nằm ẩn mình dưới chân núi Trường Sinh, bao đời nay, người dân làng Lương Ngọc tự hào khi được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí. Khách phương xa đến với làng Lương Ngọc rải rác quanh năm, nhưng đông nhất vào những ngày xuân. Ai cũng muốn được đến làng Lương Ngọc sớm để được đón lễ hội khai hạ, được ngắm đàn “cá thần” nối đuôi nhau thành từng đàn bơi quanh miệng hang đá, cùng chung vui trong lễ mừng cơm mới, làm vía kéo xi, lắng lòng nghe những câu xường mượt mà, da diết… Đó là vào những ngày xuân. Còn trong tiết trời se lạnh, khi sương giăng đầy trên dãy núi Trường Sinh thì không khí trong làng vẫn ồn ào náo nhiệt bởi những đoàn khách liên tục ra vào khu du lịch. Những cửa hàng, lều, quán dựng tạm ven đường để bày bán đồ lưu niệm, những món ăn dân dã cho khách vì thế cũng nhộn nhịp hẳn lên so với ngày thường.
Với nhiều lợi thế như vậy, Cẩm Lương hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Anh Phạm Đăng Khoa, nhân viên Ban Quản lý Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương, cho biết: Cách đây chừng 9-10 năm, gia đình tôi và một số hộ sinh sống trong xã đã từng tổ chức và làm dịch vụ du lịch cộng đồng tại Cẩm Lương và ban đầu đã nhận được sự hưởng ứng từ du khách. Nhu cầu của du khách về du lịch cộng đồng thời điểm ấy dù chưa nhiều nhưng họ rất thích điều kiện tự nhiên, đặc biệt là hòa mình vào cuộc sống của đồng bào Mường nơi đây, được sống trong những ngôi nhà sàn truyền thống, được tham gia lễ hội khai hạ đầu năm mới và thưởng thức những sản vật, đặc sản của địa phương. Tuy nhiên, do cách làm du lịch cộng đồng lúc ấy vẫn còn mang tính tự phát và chưa có quy hoạch cụ thể, do vậy không duy trì được lâu và đến nay hầu như không còn hộ nào làm. Hiện nay, nhu cầu thực tế của loại hình du lịch cộng đồng này đã tăng lên đáng kể và hầu như lúc nào cũng có du khách, các nhà tổ chức tour du lịch hỏi thăm.
Trong chiến lược phát triển du lịch của huyện Cẩm Thủy, Cẩm Lương được xem là tâm điểm với định hướng phát triển loại hình du lịch sinh thái và cộng đồng làm chủ đạo. Tuy vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng ở Cẩm Lương vẫn còn không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là chưa có quy hoạch chi tiết phát triển loại hình du lịch cộng đồng của ngành du lịch và địa phương. Thêm vào đó, phần lớn các hộ nằm trong khu du lịch suối cá có quá ít kiến thức và kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, việc tổ chức tập huấn được tổ chức hàng năm song mới chỉ dừng lại ở lý thuyết mà chưa có những áp dụng thực tế; cơ sở hạ tầng cho quản lý du lịch còn thiếu thốn, các loại hình dịch vụ còn chưa phát triển; chưa có các đội văn nghệ truyền thống để phục vụ du khách… Một khó khăn nữa đó là các hộ dân nằm trong khu du lịch đời sống còn khó khăn và không phải hộ nào cũng có điều kiện để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.
Được biết, dự án “Bảo tồn và phát triển làng văn hóa truyền thống Lương Ngọc” được UBND tỉnh phê duyệt năm 2009 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư khiến bà con làng Lương Ngọc rất phấn khởi. Dự án nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể, văn hóa vật thể của dân tộc Mường tại làng Lương Ngọc như: xây dựng tụ điểm sinh hoạt văn hóa – thể thao cộng đồng; bảo tồn 10 ngôi nhà truyền thống; các trò chơi, trò diễn, lễ hội truyền thống, xây dựng môi trường cảnh quan sinh thái… Trong số 10 hộ gia đình được lựa chọn bảo tồn, làm mới nhà sàn thì đã làm xong 5 nhà, dự kiến đến hết quý II năm 2014 sẽ hoàn thành các nhà còn lại. Ngoài ra, một số công trình như: nhà văn hóa thôn, xây mương thu nước dọc chân núi Trường Sinh bằng đá hộc, cải tạo đập tràn… sẽ được hoàn thành trong thời gian sớm nhất sẽ góp phần tạo thành một chỉnh thể thống nhất.
Việc khôi phục làng Mường ở Lương Ngọc và định hướng tập trung phát triển loại hình du lịch cộng đồng của địa phương sẽ là những điều kiện thuận lợi ban đầu để Cẩm Lương phát triển loại hình du lịch đang ngày càng được yêu thích này.
Nguồn: Báo Thanh Hóa