“Đánh thức” tiềm năng du lịch tâm linh tỉnh Bắc Ninh


Bắc Ninh có rất nhiều lễ hội, đền, chùa, nơi phát tích của Vương triều nhà Lý. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các điểm du lịch tâm linh trong tỉnh được tổ chức, quản lý khá manh mún, chưa có sự đầu tư bài bản, nên khó thu hút du khách.

Nhiều đơn vị lữ hành ở Bắc Ninh đã mở các tour du lịch kết hợp thăm các điểm di tích lịch sử nổi tiếng và làng nghề như Đền Đô, chùa Phật Tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp… với một số làng nghề tiêu biểu như tượng Đình Tổ, gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, tranh Đông Hồ…

"Đánh thức" tiềm năng du lịch tâm linh tỉnh Bắc Ninh

Sự kết hợp này đã góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch và quảng bá rộng rãi văn hóa, con người Bắc Ninh.

Tuy nhiên trên thực tế, du lịch tâm linh ở Bắc Ninh vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Hiện nay, trong tỉnh có Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Dâu, Lăng Kinh Dương Vương, chùa Phật Tích, đền Đô, chùa Dạm, Lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương đã được quy hoạch, lập dự án đầu tư, tôn tạo theo hướng phục vụ mục đích du lịch. Còn những điểm du lịch khác đang trong quá trình lập dự án đầu tư để trùng tu, tôn tạo là chính.

Trong đó chỉ khu vực đền Đô-đình Đình Bảng là được đầu tư hoàn chỉnh cả về cảnh quan và khu vực tâm linh phục vụ tốt nhu cầu khách tham quan. Ngay ở những di tích nổi tiếng như chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) – trung tâm Phật giáo lớn và cổ nhất Việt Nam hay chùa Bút Tháp với vẻ đẹp nguyên sơ, kiến trúc độc đáo vừa được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, lượng khách đến tham quan cũng không lớn.

Theo Ban quản lý tại các điểm di tích này, khách đến tham quan chủ yếu tập trung vào mùa xuân, các lễ hội. Ngày thường, lượng khách đến với chùa chỉ từ một đến ba đoàn với số lượng rất ít, chủ yếu phục vụ nhu cầu tâm linh.

Hay như đền Bà Chúa Kho, Hội Lim là nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo riêng có của Bắc Ninh, nhưng những năm gần đây, lượng khách đến cũng không nhiều như trước. Các điểm tâm linh khác càng vắng bóng khách tham quan.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên do Bắc Ninh tập trung xây dựng cảnh quan du lịch chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân, các dịch vụ bổ sung phục vụ du lịch chưa phong phú; đội ngũ làm du lịch còn mỏng, chất lượng chưa cao, nhất là đội ngũ các hướng dẫn viên du lịch; các doanh nghiệp làm du lịch còn yếu về vốn và năng lực chuyên môn; sự cạnh tranh ngày càng mạnh giữa các thị trường du lịch…

Tại hầu hết các điểm du lịch tâm linh, do người dân chưa có cái nhìn cụ thể về phát triển du lịch nên chủ yếu chỉ có nhu cầu đến thắp hương lễ phật; dịch vụ du lịch còn manh mún, nghèo nàn, khiến du khách thấy đơn điệu, nhàm chán, nhiều khi khách đến tham quan khó có thể tìm một hướng dẫn viên.

Một số nơi người dân nhiệt tình nhưng thiếu kỹ năng làm du lịch, khách hỏi gì trả lời đấy, yêu cầu gì làm đấy, chưa có một chương trình bài bản để giới thiệu cho du khách về lịch sử, đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng của vùng.

Để tiềm năng du lịch tâm linh của tỉnh được “đánh thức,” thời gian tới ngành du lịch Bắc Ninh cần có những chiến lược cụ thể, xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức văn hóa, lịch sử, đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm…

Đầu năm 2014, Bắc Ninh sẽ tổ chức Festival, trong đó có các tour du lịch miễn phí, góp phần tuyên truyền, quảng bá thế mạnh tiềm năng du lịch của vùng.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã xây dựng và chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch đưa vào khai thác tuyến du lịch sông Đuống theo lộ trình Lăng và Đền thời Kinh Dương Vương-chùa Bút Tháp-làng Tranh Đông Hồ (trên địa bàn huyện Thuận Thành)-đền thờ Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh-làng tre Xuân Lai-Đền thờ tướng quân Cao Lỗ Vương (trên địa bàn huyện Gia Bình); tour du lịch cộng đồng chùa Bút Tháp-làng gốm Phù Lãng-làng Diềm; các điểm di tích gắn với lễ hội tiêu biểu được lựa chọn đưa vào tổ chức các hoạt động trong năm du lịch như chùa Phật tích-Lễ hội hoa Mẫu đơn, làng Diềm-Lễ hội Diềm (nơi thờ Thủy tổ Quan họ), lăng Kinh Dương Vương-Lễ hội Kinh Dương Vương ( Nam bang thủy tổ), Đền Đô-Lễ hội đền Đô (nơi thờ 8 vị Vua triều Lý)…

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, năm 2013, Bắc Ninh thu hút hơn 351.000 lượt khách du lịch (tăng 19% so với kế hoạch), với tổng doanh thu trên 265 triệu đồng (tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, so với kế hoạch vượt 109%).

Bắc Ninh có gần 1.300 di tích văn hóa, trong đó có hơn 490 di tích được xếp hạng, 194 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; nhiều di tích có giá trị tiêu biểu cùng hơn 600 lễ hội truyền thống đậm chất dân gian, trong đó có 10 lễ hội có ý nghĩa đặc biệt và có tầm ảnh hưởng lớn./.

Nguồn: TTXVN