Hà Nội đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách quốc tế năm 2014


Năm 2013 đi qua với niềm tự hào của ngành du lịch Hà Nội, đón 2,58 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,9% so với năm trước, doanh thu du lịch đạt 38.500 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 14 – 15% GDP toàn thành phố. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,1% và khách quốc tế đến Việt Nam tăng 10,6% so với năm trước.

du lich Hà Nội

Du lịch Hà Nội dự kiến đón 3 triệu khách quốc tế trong năm 2014

Tiếp nối những thành công, năm 2014, Hà Nội dự kiến đón 3 triệu lượt khách quốc tế và tại buổi tọa đàm bàn giải pháp phát triển du lịch Hà Nội tổ chức ngày 8/1, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định quyết tâm trong năm 2014, du lịch Hà Nội sẽ có nhiều thay đổi để xứng đáng là điểm đến hấp dẫn.

Thay đổi hình thức xúc tiến du lịch

Xúc tiến du lịch là vấn đề được mọi doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý du lịch cùng quan tâm, bởi đó là yếu tố quan trọng để thu hút khách đến Hà Nội. Thời gian qua, công tác xúc tiến du lịch Hà Nội thực hiện theo phương thức truyền thống bằng cách tham gia các liên hoan, hội chợ văn hóa du lịch trong và ngoài nước, các hội nghị du lịch quốc tế, quảng bá trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Còn kinh phí xúc tiến du lịch Hà Nội được cho là quá mức khiêm tốn với con số 1 USD/khách, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh là 2,5 USD/khách, Thái Lan khoảng 10 USD/khách, Singapore 16 USD/khách, Malaysia 20 USD/khách.

Các doanh nghiệp cho rằng, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng nghĩa, cùng thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển do vậy Hà Nội cần phải đầu tư cho công tác quảng bá và xúc tiến du lịch. Đơn cử, Công ty lữ hành Hanoitouris có tổng vốn kinh doanh khoảng 6 tỷ đồng nhưng mỗi năm đóng góp ngân sách thành phố khoảng 3 tỷ đồng, Khách sạn Hòa Bình chỉ tính riêng tiền thuế giá trị gia tăng cũng nộp ngân sách vài tỷ đồng nhưng sự hỗ trợ của thành phố đối với các doanh nghiệp du lịch chưa nhiều, đặc biệt là công tác xúc tiến du lịch.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitouris cho rằng: Hà Nội chưa thực sự quan tâm và chưa có cơ chế tốt cho công tác xúc tiến du lịch, vì vậy, thành phố cần quyết liệt hơn trong vấn đề này.

Hình thức xúc tiến cũng được nhiều đơn vị chỉ ra và cần thực hiện theo sự linh hoạt. Bà Nguyễn Bích Dung, Giám đốc kinh doanh và maketing Khách sạn Sunway cho rằng: “Ngành du lịch cần phối hợp với các hãng hàng không quốc tế có đường bay thẳng đến Hà Nội để quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút khách. Thực tế, thời gian qua, một số hãng hàng không khi mở đường bay thẳng đến Việt Nam không đạt doanh thu theo kế hoạch đã chuyển sang nước khác và như vậy, chúng ta bị mất một thị trường khách quốc tế”.

Trước vấn đề này, lãnh đạo ngành du lịch Hà Nội cũng thừa nhận: Ngành đang loay hoay trong việc thực hiện công tác xúc tiến để đạt hiệu quả cao. Thực tế, Thành phố sẵn sàng chi tiền cho công tác xúc tiến du lịch nhưng phải đạt hiệu quả. Năm 2014, bộ phận xúc tiến du lịch của Hà Nội sẽ chính thức thuộc UBND thành phố quản lý, thay vì Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội quản lý như trước. Hình thức xúc tiến du lịch được lãnh đạo ngành du lịch khẳng định mạnh mẽ, chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi để đạt hiệu quả tốt hơn.

Cải thiện môi trường du lịch

Trong năm qua, Hà Nội đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận giải quyết các vấn đề khiếu nại của khách du lịch, tăng cường kiểm tra hoạt động đón khách của các công ty lữ hành, kiểm tra hoạt động của hướng dẫn viên du lịch, tình hình vận chuyển khách. Nhưng xem ra, thành phố mới giải quyết được một phần về môi trường du lịch, mà chính Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội thừa nhận: Vệ sinh môi trường, tình trạng chèo kéo, đeo bám, lừa đảo, trộm cắp của khách du lịch vẫn còn xảy ra nhiều, gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh du lịch Thủ đô.

Nan giải nhất là tình trạng taxi lừa đảo khách hàng như chạy lòng vòng, điều chỉnh chạy nhanh công tơ tính cước, lợi dụng khách quốc tế khó phân biệt mệnh giá tiền Việt Nam nên lừa lấy tiền mệnh giá cao…. Đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều lái xe taxi không thừa nhận mình đã lừa đảo khách lấy giá cước cao hơn. Các doanh nghiệp đề nghị, cơ quan chức năng cần áp dụng công nghệ in hóa đơn từ đồng hồ công tơ mét như các quốc gia khác, thay vì tiền cước chỉ hiển thị trên đồng hồ và hóa đơn phải viết tay như hiện nay để minh bạch tiền cước và có căn cứ giải quyết nếu xảy ra khiếu nại.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, lực lượng thanh tra quá nhiều, chồng chéo. Mỗi năm, có khách sạn đón tới 15 đoàn thanh tra từ cấp phường, quận, thành phố, bộ; thậm chí có khách sạn một tuần đón tới 2 đoàn thanh tra trong khi nội dung các đoàn thanh tra gần giống nhau. Ông Adam Mcdonald, Tổng giám đốc Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake phàn nàn: “Khi các đoàn thanh tra cùng một chủ đề, cùng với những giấy tờ, tại sao các đoàn không kết hợp với nhau tránh mất nhiều thời gian cho chúng tôi”.

Với vấn đề này, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định sẽ tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách và môi trường kinh doanh du lịch thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Trong năm nay, để đón được 3 triệu khách du lịch quốc tế, thành phố sẽ tập trung công tác quy hoạch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch. Cụ thể, quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì – Suối Hai thành khu du lịch quốc gia, hoàn thành đề án phát huy giá trị không gian lễ hội Gióng và đề án phát triển du lịch cộng đồng khu vực Ba Vì.

Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng tổ chức dịch vụ vu lịch tại các điểm di sản văn hóa đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám; triển khai kế hoạch biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách.

Tin rằng, với sự cầu thị của ngành du lịch Hà Nội trong việc lấy ý kiến các doanh nghiệp bàn giải pháp phát triển tốt hình ảnh du lịch Thủ đô đến sự quyết tâm mạnh mẽ của cơ quan quản lý du lịch, năm 2014, du lịch Hà Nội sẽ có những chuyển biến tích cực, ngày càng hấp dẫn và thu hút khách./.

Nguồn: TTXVN