Lần đầu tiên tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia


Tại buổi họp báo diễn ra tại Hà Nội ngày 9/1 vừa qua, UBND tỉnh Bạc Liêu đã công bố chương trình Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014 với chủ đề “Đờn ca tài tử – Tình người, tình đất phương Nam”. Theo đó, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất sẽ diễn ra tại Bạc Liêu trong 4 ngày từ 20 đến 24/4/2014 nhằm tôn vinh đờn ca tài tử – loại hình nghệ thuật độc đáo của người dân Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.

don ca tai tu

Đây là lần đầu tiên một festival về đờn ca tài tử với qui mô quốc gia được tổ chức thu hút sự tham gia của các câu lạc bộ, nghệ sĩ đến từ 21 tỉnh, thành phố phía Nam. Trong thời gian diễn ra festival, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc sẽ được tổ chức như: chương trình nghệ thuật tôn vinh soạn giả Trọng Nguyễn và Yên Lang; liên hoan đờn ca tài tử toàn quốc; khánh thành dự án mở rộng khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử Nam bộ”; chung kết cuộc thi Người đẹp tài năng đờn ca tài tử; tổng kết và trao giải các cuộc thi sáng tác ca khúc vọng cổ; đại nhạc hội “Sắc màu làn điệu phương Nam”; trình diễn xe cổ… và lễ đón nhận bằng vinh danh của UNESCO công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Các đội đờn ca tài tử tham gia festival sẽ biểu diễn trên những chiếc xuồng được bố trí trên mặt hồ thuộc khu du lịch sinh thái Hồ Nam. Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu cũng sẽ mời các nghệ sĩ của tỉnh Ninh Bình giao lưu hát chèo; mời các tổ, nhóm đờn ca tài tử ở các tỉnh Đông, Tây Nam bộ biểu diễn giao lưu… Khách du lịch có thể cùng các đội tham gia hát và tìm hiểu về loại hình nghệ thuật này.

Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014 là dịp để Bạc Liêu vinh danh các nghệ sĩ đờn ca tài tử trong và ngoài tỉnh; đồng thời quảng bá văn hóa, lịch sử, con người nơi đây, góp phần xúc tiến thương mại, đầu tư du lịch, phát triển kinh tế bền vững.

Sau Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất này, nhiều địa phương như Bình Dương, Tiền Giang… cũng đã đăng ký đăng cai kỳ festival tiếp theo. Dự kiến, Festival Đờn ca tài tử toàn quốc sẽ được tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành phố 3 năm/lần nhằm gìn giữ và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử trong đời sống hiện đại, đồng thời tạo sức hút cho du lịch Nam bộ.

Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỉ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Việt Nam và văn học dân gian.

Theo kết quả kiểm kê năm 2011, Nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện đang được phát triển ở 21 tỉnh, thành phố phía Nam là: An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Trong đó, Bạc Liêu, Bình Dương, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh là những tỉnh, thành phố có nhiều người hát đờn ca tài tử nhất. Cả nước hiện có hơn 2.500 câu lạc bộ, nhóm, gia đình với hơn 29.000 người tham gia sinh hoạt Đờn ca tài tử (người trẻ nhất 6 tuổi, già nhất 99 tuổi).

Ngày 5/12/2013, tại phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (UNESCO) tổ chức tại Baku (Azerbaijan), Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phạm Phương