Phát triển thủ công và du lịch làng nghề tại Quảng Nam


Sau hơn một năm triển khai, dự án “Phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn và du lịch làng nghề tại Quảng Nam” đã giúp xây dựng thương hiệu chung cho các sản phẩm thủ công “Crafted in Quang Nam” và thúc đẩy du lịch làng nghề ở địa phương.

DenlongHoiAn

Tại buổi tổng kết Dự án “Phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn và du lịch làng nghề tại Quảng Nam” ngày 12/3 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phối hợp tổ chức, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller-Marin khẳng định một trong những điểm nổi bật của dự án là sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các văn phòng Liên hợp quốc, các tổ chức xã hội dân sự và khối tư nhân.

Sự thành công của mối quan hệ hợp tác này cho phép việc tập hợp các nguồn lực nhỏ để tạo ra các ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Được khởi động từ tháng 2/2012, dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của Quỹ Tín thác Hàn Quốc thông qua UNESCO nhằm hỗ trợ các làng nghề thủ công tại Quảng Nam, đặc biệt là các làng gần Di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn, trong việc tái định hướng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đồng thời củng cố các giá trị văn hóa. Dự án tập trung vào vấn đề phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Các hợp phần của dự án cho đến nay đều mang lại những kết quả đáng khích lệ. 238 hộ sản xuất/doanh nghiệp được khảo sát, mang lại nhiều thông tin quan trọng về ngành sản xuất thủ công truyền thống tại Quảng Nam, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc thiết kế và đóng gói bao bì làm tăng giá trị sản phẩm.

Ba khóa tập huấn về các kỹ năng có liên quan như: thiết kế, trình bày và quảng bá sản phẩm, quản lý sản xuất, kinh doanh cho các nghệ nhân và hộ sản xuất trong khu vực đã được thực hiện; góp phần phát triển hơn 30 bộ sản phẩm thủ công mới mang dấu ấn hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng nhưng vẫn đáp ứng các đòi hỏi của thị trường.

Dự án góp phần tích cực đối với sự ra đời của thương hiệu chung “Crafted in Quang Nam” cùng với các bộ nhận diện thương hiệu làng nghề và mẫu bao bì sản phẩm mới cho làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, các bộ sản phẩm thủ công tại Trung tâm Thông tin Du khách Hội An và Nhà trưng bày Khu di tích Mỹ Sơn.

Với sự hỗ trợ của dự án, hơn 2.000 hộp mẫu bao bì đóng gói, nhiều sản phẩm truyền thông như tờ gấp và poster quảng bá sản phẩm đã được sản xuất và cung cấp cho các làng nghề thủ công.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các bước đi tiếp theo nhằm đạt được sự phát triển bền vững và duy trì các kết quả của dự án ngay cả khi dự án đã kết thúc.

Trong đó, nổi bật là đề xuất về cơ chế quản lý thương hiệu mới cho các sản phẩm thủ công sản xuất tại Quảng Nam và đề xuất về một mô hình Trung tâm thiết kế ngay tại địa phương./.

Nguồn: TTXVN