Lễ hội Yên Thế – Vinh danh di sản văn hóa quốc gia


Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 2014), 30 năm tổ chức lễ hội Yên Thế, Tạp chí Làng Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Thạch Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế về công tác chuẩn bị lễ hội và phát huy những giá trị lịch sử – văn hóa của cụm di tích Yên Thế.

LehoiYenThe2013

Xin ông cho biết Lễ kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 2014) năm nay có gì mới so với những năm trước?

Ông Thạch Văn Chung: Ngày 16/3/1984, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884 – 16/3/1984), Lễ hội Yên Thế lần đầu tiên được tổ chức, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa dân gian, tưởng nhớ đến thủ lĩnh Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám cùng tinh thần bất diệt của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó đến nay, ngày 16/3 dương lịch hàng năm, lễ hội được duy trì tổ chức. Lễ hội Yên Thế là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại với những sắc màu văn hóa phong phú và riêng biệt, khẳng định bản sắc văn hóa của nhân dân các dân tộc Yên Thế nói riêng, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang nói chung trên đà hội nhập và phát triển, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, lễ hội hàng năm đã thu hút hàng vạn du khách thập phương về trẩy hội.

Năm 2013, nhân kỷ niệm 129 năm cuộc khởi nghĩa và chào mừng sự kiện “Lễ hội Yên Thế”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27 tháng 12 năm 2012, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Ban tổ chức Lễ hội đã tổ chức các hoạt động đặc sắc nhằm gìn giữ, tôn vinh truyền thống yêu nước và ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc khởi nghĩa năm xưa, đồng thời khắc ghi, tỏ lòng tri ân đối với những người anh hùng của dân tộc Lương Văn Nắm, Hoàng Hoa Thám và các nghĩa quân Yên Thế đã kiên cường chiến đấu chống lại thực dân Pháp xâm lược ngót 30 năm từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.

Từ ngày 15 đến 17/3/2014, tại Khu di tích lịch sử Khởi nghĩa Yên Thế (thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) sẽ diễn ra Lễ hội kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 2014) và đây cũng là lần đầu tiên Lễ hội Yên Thế được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đứng ra tổ chức sau khi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là sự kiện văn hoá đặc biệt, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân ta, ghi nhớ công lao của vị anh hùng đã tham gia cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc. Qua các hoạt động tại Lễ hội kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Yên Thế nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, tăng cường tình đoàn kết các dân tộc; đồng thời, quảng bá du lịch tới du khách khi đến với 4 huyện Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng và Yên Thế là địa phương có các di tích Khởi nghĩa Yên Thế được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Ngay từ những ngày đầu năm 2013 công tác chuẩn bị đã được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất như: Chuyển chất liệu tượng đài Hoàng Hoa Thám từ bê tông sang chất liệu đồng, nâng cấp hạ tầng khuôn viên khu di tích trung tâm – Đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế; nâng cấp bức tường thành Đồn Phồn Xương bị hư hỏng sau cơn bão số 6, 7 năm 2013; mở rộng và nâng cấp khuôn viên Đình Dĩnh Thép, Chùa Lèo, Đền Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (Động Thiên Thai)…

Ngoài công tác chuẩn bị theo kế hoạch của tỉnh, huyện cũng thành lập BTC lễ hội chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ lễ hội. Huyện tổ chức lại màn tế cờ theo đúng nghi lễ của Đề Thám năm xưa. Các hoạt động dịch vụ, vui chơi, giải trí ở lễ hội năm nay sẽ được phân theo từng khu vực riêng và đều có biển chỉ dẫn.

Nhiều di tích lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Yên Thế đã được huyện quan tâm tu bổ, bảo tồn, nhưng để phát huy hết những giá trị lịch sử – văn hóa của hệ thống di tích Yên Thế, huyện Yên Thế đã làm được những gì?

Ông Thạch Văn Chung: Thứ nhất, chúng tôi luôn xác định phải giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại không chỉ cho hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau. Do vậy công tác bảo tồn luôn được coi trọng và là việc làm thường xuyên.

Thứ hai, thông qua các giá trị văn hóa truyền thống này chúng tôi đã giới thiệu tới nhân dân cả nước biết đến cuộc khởi nghĩa oai hùng của nông dân Yên Thế; giới thiệu, quảng bá tiềm năng của Yên Thế hôm nay, qua đó mời gọi thu hút đầu tư phát triển Yên Thế…

Hiện nay phần lớn các di tích đã được nâng cấp với mong muốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham dự lễ hội của nhân dân trong và ngoài tỉnh, chỉ còn điểm di tích Đền Cầu Khoai thuộc xã Tam Hiệp xuống cấp đang chờ ý kiến của các cơ quan chức năng cho ý kiến để tiến hành sửa chữa nâng cấp. Nhân dân và chính quyền địa phương đã cân đối cơ bản đủ kinh phí để đầu tư nâng cấp, sửa chữa.

Kế hoạch trong năm và những năm tiếp theo là sẽ từng bước đưa các điểm di tích này vào khai thác du lịch. Tuy nhiên việc cụ thể thế nào thì cần phải có sự bàn bạc, thống nhất kỹ càng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Song tôi tin việc đó sẽ sớm được triển khai và sẽ thành công