Liên kết trong hoạt động du lịch “chìa khóa” để phát triển


Mặc dù Ninh Bình có lợi thế rất lớn về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử cũng như vị trí địa lý để phát triển du lịch. Tuy nhiên trong quá trình phát triển Ninh Bình không thể đứng độc lập mà đòi hỏi phải có sự liên kết chặt chẽ với các vùng, miền, địa phương khác.
Việc liên kết để mở các tour, tuyến du lịch để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn ngoài đem lại lợi ích phát triển du lịch cho mỗi địa phương, còn tạo thêm khả năng cạnh tranh giữa các bên liên quan, nhằm thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương…

du lich Trang An

Phát huy tiềm năng

Ninh Bình là tỉnh sớm xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch trong cả nước. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình được xây dựng năm 1995, và được điều chỉnh bổ sung năm 2007. Trên cơ sở đó, tỉnh tiến hành quy hoạch chi tiết các khu du lịch, tích cực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch. Theo quy hoạch, Ninh Bình có 7 không gian du lịch, các tour, tuyến được bố trí khá hợp lý, phát huy được các loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh. Du lịch sinh thái tập trung vào các khu hang động xuyên thủy Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, vườn quốc gia Cúc Phương; du lịch văn hóa – tâm linh tập trung vào khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu tâm linh chùa Bái Đính, quần thể nhà thờ đá Phát Diệm… Ngoài ra, Ninh Bình cũng chú trọng thu hút khách vào các loại hình du lịch chơi golf, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng…

Toàn tỉnh hiện có 7 tuyến du lịch chính là: Khu du lịch sinh thái Tràng An – Tam Cốc Bích Động – Cố đô Hoa Lư; Khu du lịch trung tâm thành phố Ninh Bình; khu du lịch Vườn Quốc gia Cúc Phương – Kỳ Phú – hồ Đồng Chương; Khu du lịch suối nước nóng Kênh Gà – động Vân Trình – khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long – chùa Địch Lộng – động Hoa Lư; Khu du lịch thị xã Tam Điệp – phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn; Khu du lịch hồ Yên Thắng – hồ Đồng Thái – động Mã Tiên; Khu du lịch vùng ven biển Kim Sơn.

Ninh Bình không chỉ là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh mà còn có nét văn hóa đặc sắc và mạng lưới làng nghề phong phú, nổi tiếng như thêu ren Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); mỹ nghệ cói (huyện Kim Sơn). Sản phẩm của làng nghề làm ra được nhiều người nhớ đến và có sự khác biệt, được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, phần lớn các làng nghề nằm trên trục giao thông nên rất thuận lợi để xây dựng các chương trình du lịch kết hợp. Vì vậy, du lịch cộng đồng và du lịch kết hợp thăm quan làng nghề trong những ngày nghỉ cuối tuần không chỉ giúp tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn riêng của du lịch Ninh Bình.

Trong những năm gần đây, ngành du lịch đã có sức hút mạnh mẽ đối với người dân ở các khu, điểm du lịch. Do đó tạo ra được nhiều hình thức du lịch đa dạng thu hút du khách lưu trú như du lịch cộng đồng theo hình thức homestay. Hiện đã có trên 50 hộ dân tại 5 thôn Phù Long, Chi Lễ, Mai Trung, Tập Ninh, Trung Hoà (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn) đang đóng góp mỗi hộ từ 1 đến 5 phòng ở đủ tiêu chuẩn cho thuê phục vụ khách du lịch. Du khách sẽ ở cùng người dân địa phương trong các ngôi nhà cổ độc đáo đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ với khung gỗ, nền đất; được trực tiếp lao động, tát nước gầu sòng, gầu dây, đi móc cua, cất vó; khám phá những phiên chợ quê với các sản phẩm địa phương đặc trưng; cùng người dân làm cua nấu canh, thổi cơm vùi tro, xay lúa, giã gạo, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc.

Đẩy mạnh liên kết

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 15 về phát triển du lịch trong đó mục tiêu đến năm 2015 sẽ đón được 6 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế; thu hút 1 triệu lượt khách lưu trú tại Ninh Bình, trong đó có 350 nghìn lượt khách quốc tế. Từ năm 2015 trở đi tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân là 10%/năm. Doanh thu du lịch đến năm 2015 đạt 1.500 tỷ đồng, các năm tiếp theo tăng trưởng bình quân 15%/năm. Thu nhập từ du lịch từ năm 2020 trở đi chiếm trên 10% GDP toàn tỉnh.

Theo đồng chí Trần Hữu Bình, TVTU, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, để du lịch đồng bằng sông Hồng nói chung, du lịch Ninh Bình nói riêng phát triển tương xứng với tiềm năng, bên cạnh các giải pháp cần thiết như đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án du lịch; xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch… thì giải pháp liên kết du lịch theo vùng cần phải được thực hiện quy mô, bài bản dưới sự chỉ đạo đồng bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam.

Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh việc phát huy nội lực, Ninh Bình sẽ tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh thành, đặc biệt với các tỉnh đồng bằng sông Hồng trong công tác phát triển du lịch, qua đó tạo sự liên kết, bổ sung cho nhau, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch thì Ninh Bình hiện đang là điểm rất hút khách về du lịch tâm linh trong dịp đầu năm. Với lợi thế này ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đang dự kiến tập trung phát triển có trọng tâm trọng điểm về du lịch tâm linh có chất lượng, chiều sâu và hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam chia sẻ: Tổng cục Du lịch đang xúc tiến quảng bá du lịch tâm linh Ninh Bình như một điểm đến trọng điểm của du lịch phía Bắc. Hầu như đoàn Famtrip nào cũng được Tổng cục du lịch đưa đến khảo sát Ninh Bình và đoàn nào cũng rất ấn tượng với tiềm năng du lịch nơi đây. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đang tập trung phát triển tam giác du lịch phía Bắc gồm: Hà Nội-Ninh Bình-Hạ Long để kết nối một tuyến hành trình thú vị với nhiều trải nghiệm khác nhau kéo dài trong 1 tuần. Đồng thời, hình thành và xây dựng một số tuyến cơ bản về du lịch tâm linh. Đó là Hà Nội-Hạ Long (qua Côn Sơn Kiếp Bạc, Đông Triều, Đền An Sinh, Khu lăng mộ 8 vua Trần, Chùa Quỳnh Lâm, Núi Bài Thơ, Đền Cửa Ông)-Ninh Bình; tuyến Hà Nội-Chùa Hương-Chùa Tam Trúc Ba Sao (Hà Nam); tuyến Hành trình qua kinh đô Việt cổ bắt đầu từ Đền Hùng (Phú Thọ) tới Thăng Long (Hà Nội)-Tràng An (Ninh Bình)-Lam Kinh (Thanh Hóa)-Huế. Riêng Ninh Bình là địa phương có tốc độ phát triển du lịch rất tốt. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch chưa cao, do đó Tổng cục Du lịch sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ tỉnh phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra dịch vụ giá trị gia tăng để thu hút khách lưu trú nhiều hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, cũng cho rằng: Ninh Bình cần củng cố, phát triển các điểm đến du lịch theo trục Hoa Lư – Tràng An một cách khoa học với quan điểm bền vững trong mối quan hệ phát triển du lịch chung với khu vực các vùng, miền, các trung tâm du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế. Đồng thời, cần tăng cường sự liên kết chặt chẽ và hợp lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cũng như doanh nghiệp, hiệp hội du lịch các địa phương nhằm xây dựng những sản phẩm mới, không trùng lặp, tạo được điểm nhấn ấn tượng với khách du lịch.
Nguồn: Báo Ninh Bình