Tạo đột phá đưa An Giang trở thành một điểm đến hấp dẫn


Trong những năm qua, với nhiều nỗ lực khai thác tiềm năng, thế mạnh về dịch vụ, sản phẩm du lịch của An Giang từng bước được khẳng định và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hoạt động của ngành du lịch An Giang ngày càng đi vào nề nếp, khách du lịch đến An Giang liên tục tăng, gia tăng thu nhập về du lịch tạo nhiều việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Công tác quản lý nhà nước về du lịch ngày một tiến bộ… Đó là những tiền đề thuận lợi nhằm đẩy nhanh phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh An Giang.

Là một tỉnh ở vị trí đầu nguồn biên giới Tây Nam, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang được thiên nhiên ban tặng những nét riêng độc đáo, có núi non hùng vĩ, rừng bạt ngàn hiện lên giữa đồng bằng trải rộng, hòa quyện với 2 dòng sông Tiền, sông Hậu cùng hệ thống sông, rạch chằng chịt. Có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc văn hóa gắn với truyền thống văn hóa, tập tục lễ hội; cùng những địa điểm mang đậm nét du lịch tín ngưỡng, sinh thái, cộng đồng, những món ăn đặc sản… góp phần tạo nên những giá trị vật thể và phi vật thể, mang lại sức hấp dẫn đối với du khách.

Den tho bac Ton

Đền thờ Bác Tôn (xã Mỹ Hòa Hưng- TP. Long Xuyên)

Đến với An Giang, du khách có thể dễ dàng tìm đến những nơi đã từng thành danh trên bản đồ du lịch như chùa Bà Châu Đốc, núi Sam, núi Cấm, lăng Thoại Ngọc Hầu, dãy Thất Sơn hùng vĩ, với tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm được công nhận kỷ lục Châu Á; khu di chỉ văn hoá Óc Eo, khu du lịch sinh thái Trà Sư hay ngọn đồi Tức Dụp nổi tiếng; ngay địa phận xã Mỹ Hòa Hưng thành phố Long Xuyên là khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng- di tích cấp quốc gia đặc biệt… Cạnh đó, ở An Giang còn có những nơi ít nổi tiếng hơn, nhưng là điểm đến thú vị cho những người thích tìm hiểu, khám phá những nét văn hoá địa phương như Lễ Hội Búng Bình Thiên, Đua bò Bảy Núi… Bên cạnh những ngôi chùa của đồng bào Khmer, còn có làng của đồng bào dân tộc Chăm, với những nhà sàn đầy màu sắc, ngôi đền Hồi giáo cổ kính. An Giang còn nổi tiếng là một vựa lúa lớn, là nơi có nghề nuôi cá Ba sa, các nghề thủ công truyền thống không chỉ nổi tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong cả nước mà còn rạng danh trên thế giới. Đây chính là nguồn tài nguyên đặc sắc, phong phú để An Giang xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù cho mình.

Thời gian qua, trong công tác quy hoạch và phát triển du lịch, An Giang đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể một số khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Khu du lịch Núi Cấm, Khu di tích lịch sử – văn hóa Núi Sam, Khu Du lịch Búng Bình Thiên, Khu Đô thị đường tránh Bắc Rạch Long Xuyên và các quy hoạch chi tiết Khu Du lịch phía Tây, phía Nam và phía Bắc Núi Cấm, Khu dân cư và vui chơi giải trí Mỹ Khánh và Khu di tích lịch sử – Văn hoá Núi Sam. Hoàn thành Đồ án quy hoạch chung xây dựng mạng lưới các điểm, tuyến du lịch sinh thái và nông thôn mới cù lao Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đến năm 2025. Đồng thời, xây dựng đề cương của 10 dự án trong lĩnh vực du lịch để phục vụ kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư, khai thác để phát triển nhanh các khu du lịch trọng điểm, các khu di tích văn hóa lịch sử Núi Sam (Châu Đốc), Núi Cấm – Rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), Núi Sập – Ba Thê – Óc Eo (Thoại Sơn), Đồi Tức Dụp và Ô Tà Sóc (Tri Tôn), Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Long Xuyên) để tạo nên các tour du lịch chuyên đề. Triển khai thực hiện mô hình du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp tại xã Mỹ Hòa Hưng – TP Long Xuyên gắn với khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng; du lịch cộng đồng xã Châu Phong gắn với làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang – Đa Phước, chợ nổi Phú Hiệp, làng nuôi cá bè tại ngã ba sông Châu Đốc-thưởng thức văn nghệ của người chăm; du lịch nông nghiệp tại xã Văn Giáo gắn với làng nấu đường Thốt Nốt – rừng tràm Trà Sư và nghe nhạc ngũ âm của người Khmer,…Khai thác khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên, khu mua sắm Thần Tài, điểm dừng chân du lịch Vạn Hương Mai,… trở thành điểm phục vụ du khách về ăn uống, mua sắm sản phẩm đặc sản và làng nghề ở An Giang.

Tỉnh An Giang cũng đã quan tâm phát triển mô hình du lịch mùa nước nổi như về thăm Láng Linh, khám phá hệ động thực vật tại rừng tràm Trà Sư, về biên giới trong mùa nước nổi, tìm hiểu đời sống của người dân kênh Vĩnh Tế. Nhiều lễ hội tổ chức trong năm được duy trì và nâng cao chất lượng cũng đã góp phần đa dạng hoá sản phẩm phục vụ cho du khách như: Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Liên hoan Văn hoá mùa nước nổi Búng Bình Thiên, Lễ hội Đua bò Bảy núi… Đồng thời, duy trì tổ chức 03 Lễ hội dân gian và dân tộc (Lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam, lễ hội Đua bò Bảy núi, Văn hóa Chăm gắn với mùa nước nổi) và các lễ hội Văn hóa, dân tộc khác trên địa bàn… Cùng với các lễ hội văn hóa địa phương, các hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng tham quan mua sắm đã hút đông đảo khách đến vui chơi, tham quan, tín ngưỡng… Ngoài ra, các Sở, ngành tỉnh, nhất là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tích cực phối hợp và tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư về du lịch….

Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2013 được chọn là năm “Văn hóa, Thể thao và Du lịch” với nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, sự kiện liên hoan văn hóa – nghệ thuật. Trong năm, lượng khách du lịch đến An Giang tiếp tục tăng, với gần 5,5 triệu lượt (tăng 2,8%), khách lưu trú và lữ hành đạt 435.000 lượt (tăng 2,8%); đưa doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đạt tốc độ tăng trưởng gần 15% và đạt doanh số trên 315 tỷ đồng. Đây là lĩnh vực đạt tốc độ xã hội hóa cao, thu hút vốn đầu tư khá lớn trong thời gian qua; bên cạnh đó các doanh nghiệp du lịch không ngừng đầu tư nâng cấp các loại hình dịch vụ, mở rộng kết nối tour tuyến du lịch và quảng bá tại các thị trường du lịch trọng điểm; ngành du lịch An Giang đã ký kết hợp tác với thành phố Hà Nội, tiếp tục hợp tác với thành phố Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để tăng cường nối tour và đón khách du lịch từ các thị trường này; cạnh đó công tác quản lý nhà nước các khu, điểm du lịch tiếp tục được đảm bảo.

Ngoài ra, nhằm công bố mục đích, yêu cầu, nội dung, chương trình sự kiện và kêu gọi giới truyền thông, các ban ngành đồng hành với Những ngày môi trường Văn hoá, Du lịch tỉnh An Giang vì sự phát triển du lịch bền vững, ngày 15/8/2013, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp Cơ quan đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại TP Hồ Chí Minh (Nay là Cục Công tác phía Nam – Bộ VHTTDL) đã tổ chức buổi họp báo về kế hoạch tổ chức ” Những ngày Môi trường Văn hoá- Du lịch năm 2013 tại An Giang” … Các hoạt động hưởng ứng sự kiện tại An Giang được tổ chức từ ngày 23/8 đến 30/8/2013 tại TP Long Xuyên và Châu Đốc với nhiều hoạt động cụ thể tạo dấu ấn; là sự kiện gắn với chuỗi các hoạt động kỷ niệm, chào mừng các sự kiện nổi bật của tỉnh.

Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2014 của tỉnh An Giang cũng đã xác định mục tiêu đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch để tiến kịp các địa phương trong khu vực; tạo bước đột phá về du lịch để đưa du lịch An Giang trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có uy tín và sức cạnh tranh cao trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước.

UBND tỉnh cũng đã đề ra giải pháp chủ yếu là tập trung đầu tư các khu, điểm du lịch quốc gia để phát huy thế mạnh của tỉnh trong vùng trọng điểm du lịch quốc gia, hình thành thương hiệu du lịch An Giang. Huy động các nguồn lực đầu tư để tăng nhanh số lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, tụ điểm vui chơi giải trí, văn hoá ẩm thực, làng nghề truyền thống, các cơ sở dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp… để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách.

Tiết trời Nam bộ những ngày giáp Tết se lạnh và nắng chan hòa, báo hiệu mùa Xuân đã về, ngành du lịch đang tất bật chuẩn bị vào mùa Lễ hội đón mừng năm mới, với niềm tin và hy vọng vào năm Giáp Ngọ 2014 “Mã đáo thành công”. Trong đó du lịch An Giang tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, là điểm đến mang nhiều lưu luyến cho du khách gần xa…

Bài: Hồng Phúc; Ảnh: Ngọc Minh

Nguồn: vhttdlkv3.gov.vn